Bệnh Sưng Phù Đầu Ở Gà – Triệu Chứng Và Cách Chữa Hiệu Quả

Bệnh sưng phù đầu ở gà là bệnh viêm mũi truyền nhiễm do vi khuẩn Haemophilus paragallinarum gây ra trên gà. Bệnh này dễ xảy ra nhất trên gà con từ 4 tuần tuổi trở lên. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa cũng như cách phòng bệnh này nhé!

Bệnh sưng phù đầu ở gà là một bệnh truyền nhiễm. Nếu như không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể lây lan ra cả đàn. Nếu như gà bị nhiễm bệnh này sẽ có các dấu hiệu như chảy nước mũi, ho, hen. mặt sưng phù, sưng đầu và hốc mắt,… Sau đây là nguyên nhân của bệnh này.

1. Nguyên nhân của bệnh sưng phù đầu ở gà

Bệnh sưng phù đầu ở gà này do vi khuẩn Gram âm Haemophilus gallinarum gây ra. Bệnh này không chỉ có trên gà mà còn có thể xuất hiện trên các gia cầm khác. Vi khuẩn này không sống bền vững ở môi trường bên ngoài.

Bệnh này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi của gà, nhưng nguy cơ cao nhất là gà con từ 4 tuần tuổi trở lên sẽ dễ mắc bệnh nhất.

bệnh sưng phù đầu ở gà
Bệnh sưng phù đầu ở gà

2. Cách thức truyền lây bệnh

Bệnh sưng phù đầu ở gà có thể lây truyền giữa các cá thể với nhau qua đường không khí hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất thải của gà bị bệnh. Bệnh này cũng có thể lây qua đường tiếp xúc với những vậy dụng, đồ dùng chăn nuôi có nhiễm bệnh.

  • Bệnh này có thể lây nhiễm từ đàn gà bị bệnh tới đàn gà khỏe mạnh, do nhập đàn hoặc di chuyển đàn gà khỏe tới chỗ đã có bệnh.
  • Lây nhiễm qua phân, môi trường chuồng trại đã có mầm bệnh sẵn.
  • Lây qua con đường ăn uống, những gà bị bệnh chảy dịch viêm vào thức ăn, nước uống. Những gà mạnh khỏe ăn phải sẽ bị nhiễm mầm bệnh này.

3. Triệu chứng của bệnh

Đối với những gà con 4 tuần tuổi trở lên rất dễ nhiễm bệnh sưng phù đầu ở gà. Một số triệu chứng mà bà con chăn nuôi cần chú ý là: chảy nước mũi, hen khò khè, mặt sưng, sưng vùng đầu và hốc mắt, viêm kết mạc. Bệnh này nếu bị nhiễm sẽ kéo dài từ 1-2 tuần.

Ban đầu, thời gian ủ bệnh sẽ từ 2-10 ngày, một số triệu chứng trong thời gian này là:

  • Gà có đầu sưng, sưng vù mắt, mặt
  • Mũi có chảy dịch viêm, ban đầu trong sau dần thì đặc, và đóng cục màu trắng như mủ. Ấn tay thì thấy cứng, phình to hai bên mũi. Do đó, gà sẽ bị hen khò khè, khó thở, thở bằng miệng. Dấu hiệu này nhìn giống mắc bệnh đầu cú, nhưng đây là dấu hiệu điển hình của bệnh sưng phù đầu ở gà.
  • Mắt bị viêm kết mạc, hai mí mắt dính chặn, hoặc gà chỉ mở được nửa mắt. Lâu dần gà sẽ chết vì đói.
bệnh sưng phù đầu ở gà
Mắt bị viêm kết mạc, hai mí mắt dính chặn
  • Tỷ lệ nhiễm bệnh này trên gà cao từ 40-70%, nhưng tỷ lệ chết lại thấp chủ từ 5-10%. Tuy nhiên, nếu như có thêm sự kết hợp của một số bệnh khác thì tỷ lệ gà chết sẽ tăng lên 35-40%.
  • Triệu chứng bệnh kéo dài lâu nhất là 2 tuần, sau đó gà khỏi bệnh sẽ tạo nên hệ miễn dịch từ 2-3 tháng. Nhưng gà này sẽ có mang trùng và có nguy cơ làm lây lan ra đàn mới.
  • Đối với gà đẻ trứng, thì tỷ lệ đẻ sẽ giảm, nguyên nhân chính do giảm ăn. Tỷ lệ trứng sẽ giảm đi 10-40%.

4. Bệnh tích của bệnh sưng phù đầu ở gà

Bệnh tích của bệnh này là:

  • Khi mổ gà chết vì bệnh này ra, thì ổ viêm xoang mũi đôi khi có các cục viêm bã đậu
  • Các tổ chức dưới da, nhất là các khu vực đầu và tích thì bị phù thũng
  • Bị viêm kết mạc mắt
  • Quanh thanh quản, khí quản đôi khi phổi bị viêm

Bệnh phù đầu ở gà cần được phân biệt với một số bệnh có triệu chứng tương tự đó là bệnh tụ huyết trùng thể mãn tính, đậu gà, gà bị thiếu vitamin A, viêm thanh khí truyền nhiễm, viêm hô hấp mãn tính,… Bà con nên biết các bệnh này để tránh nhầm lẫn và dẫn đến chữa trị không tốt.

5. Phòng bệnh sưng phù đầu

Để có thể phòng bệnh sưng phù đầu ở gà hiệu quả thì bà con chăn nuôi nên thực hiện các biện pháp quản lý và sinh dưỡng sau:

  • Áp dụng phương pháp quản lý chăn nuôi chuồng trại của bạn theo cùng vào cùng ra
  • Tránh để cho việc gà bị bệnh tiếp xúc với đàn, gà khỏe mạnh
  • Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, máng ăn, máng uống sạch sẽ và định kỳ thường xuyên để tránh nhiễm mầm bệnh
  • Cho gà sử dụng kháng sinh có phổ khuẩn rộng, tiến hành trộn vào thức ăn, kết hợp với vitamin các chất cần thiết khác trộn vào nước đẻ cho gà sử dụng. Nên để ý và chăm kỹ gà trong giai đoạn mà thời tiết bị thay đổi hay gà bị stress để ngăn chặn và tiêu diệt tốt mầm bệnh
bệnh sưng phù đầu ở gà
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, máng ăn, máng uống sạch sẽ

Trong quá trình phòng bệnh sưng phù đầu, bà con cần lưu ý đó là những con gà đã khỏi bệnh và chúng đã có hệ miễn dịch cho mình  nhưng chúng trở thành vật mang trùng. Bà con nên thực hiện phương pháp cùng vào cùng ra. Tránh việc để cho đàn mới tiếp xúc đàn cũ gây lây truyền mầm bệnh qua đàn mới khỏe mạnh.

 Một cách nữa là dùng vacxin chết vô hoạt để thực hiện phòng cho đàn gà. Hiện nay, trên thị trường có nhiều lựa chọn để người chăn nuôi có thể tiêm ngừa nhiều bệnh khác nhau. Bà con có thể chọn vacxin đơn giá chỉ ngừa bệnh sưng phù đầu ở gà hoặc có thế chọn ngừa luôn 4 bệnh đó là dịch tả, viêm phế quản truyền nhiễm, giảm đẻ và sưng phù đầu ở gà – Coryza.

6. Trị bệnh phù đầu

Vi khuẩn gây bệnh sưng phù đầu ở gà rất nhạy cảm với kháng sinh. Ví dụ như Ampicillin, Streptomycin, kanamycin, Neomycin, Spiramycin, Tylosin,… Người chăn nuôi gia cầm có thể trị bệnh này bằng cách dùng kháng sinh trên trộn với thức ăn hoặc hòa với nước để gà uống theo hướng dẫn trên bao bì. Thời gian điều trị bệnh này từ 5-7 ngày là tốt nhất.

Sau khi dừng dùng kháng sinh, người chăn nuôi nên cho gà sử dụng thêm men probiotic thêm 7 ngày để hồi phục hệ vi sinh đường ruột của gà và sức khỏe gà nói chung.

Trên đây là triệu chứng, cách phòng và điều trị của bệnh sưng phù đầu ở gà. Bà con nên tham khảo để chuẩn bị từ sớm cho đàn gà của mình. Đồng thời bà con hãy đến traiga.vn để tìm hiểu thêm các bệnh nguy hiểm và hay phổ biến trên đàn gà để có cách phòng ngừa hiệu quả nhé!

Chúc bà con có mùa vụ chăn nuôi đạt hiệu quả cao!

Tổng hợp: Traiga.vn

5/5 - (1 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt Quảng Cáo [X]
quang-cao-trai-ga-vn